4 cách trị hăm tã cực kỳ hiệu quả và an toàn cho bé mà mọi bà mẹ bỉm sữa nên biết
Mùa hè nóng nực làm tăng nguy cơ hăm tã ở trẻ. Nếu không trị dứt điểm hăm tã, kéo dài sẽ gây nên tình trạng khó chịu, đau đớn, quấy khóc, ngủ không ngon giấc ở trẻ.
Vì sao bé bị hăm tã?
Da của trẻ sơ sinh, trẻ dưới 12 tháng tuổi rất mỏng và nhạy cảm. Việc mặc tã thường xuyên hoặc bé bị tiêu chảy kéo dài khiến da phải tiếp xúc thường xuyên với phân và nước tiểu gây kích ứng da và hăm tã. Hăm tã cũng có thể diễn ra khi mẹ thay loại bỉm tã mới cho bé mà không hợp cơ địa, hoặc mẹ dùng khăn ướt có chất tẩy để vệ sinh cho con, mẹ thường xuyên dùng chất làm mềm vải, xà bông giàu chất tẩy rửa để giặt đồ cho con cũng có thể là nguyên nhân gây kích thích làn da mỏng manh của bé.
Đối với các bà mẹ bỉm sữa hăm tã luôn là nỗi ám ảnh thường trực, mặc dù tình trạng trên không quá nghiêm trọng, thế nhưng lại khiến bé yêu trở nên cáu gắt, quấy khóc, mất ngủ… ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển vể thể chất và tinh thần của bé trong những năm đầu đời. Vậy làm thế nào để khắc phục nhanh vấn đề hăm tã giúp bé yêu cảm thấy thoải mái và dễ chịu?
Mẹ bỉm sữa hãy học nhanh 4 bí quyết trị hăm tã vừa an toàn lại hiệu quả này nhé:
1. Trị hăm tã bằng trà xanh hoặc chè tươi
Trà xanh, chè tươi là một trong những thảo dược đa năng. Trong đó, trị hăm cũng là một công dụng của trà xanh dù là trà túi hay trà xanh nguyên chất. Với trà túi, các mẹ có thể đặt một túi trà khô vào trong tã hay bỉm của trẻ để tinh chất tannin có trong trà giúp hút ẩm, cho da bé khô thoáng và phục hồi dần những vùng da bị tổn thương bởi hăm.
2. Trị hăm tã bằng lô hội
Lô hội có đặc tính chống viêm, không những vậy lô hội còn rất nhiều vitamin E. Nên đây là một thần dược rất tốt trong việc trị hăm tã ở trẻ nhỏ. Dùng một lát lô hội mỏng mát xa lên vùng da bị hăm của bé rồi để khô tự nhiên, sau đó mới mặc tã vào cho bé.
3. Chữa hăm tã bằng lá trầu không
Trầu không là loại thảo dược có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, giảm đau rất tốt. chính vì thế việc chữa trị hăm tã cho bé bằng lá trầu không rất hiệu quả. Các mẹ lấy khoảng 3 – 4 lá trầu không rửa sạch sau đó đun sôi để nguội. Tiếp đến dùng khăn sạch giặt ướt bằng nước trầu không để nguội, nhẹ nhàng thấm lên các nếp gấp, vùng da bị hăm của bé. Bạn nên làm liên tục trong vòng một tuần, một ngày khoảng ba lần, chắc chắn chứng hăm của bé sẽ thuyên giảm đáng kể.
4. Chữa hăm tã bằng dầu dừa
Với đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm, dầu dừa là loại thuốc tự nhiên giúp trị hăm tã phổ biến. Để trị hăm tã cho bé bằng dầu dừa, bạn chỉ cần thoa một lớp mỏng lên vùng da phát ban nhằm làm dịu và giúp da ẩm, mềm. Tuy nhiên, trước khi thoa, bạn hãy nhớ rửa tay sạch bằng xà phòng và nhớ chỉ dùng dầu dừa nguyên chất để đem lại hiệu quả tốt nhất nhé.